Chuyển đồ, gửi đồ từ Nhật về Việt Nam bằng EMS - đường bưu điện
Khi sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, đôi khi bạn muốn gửi một vài món đồ về cho người thân, bạn bè. Hôm nay, Nenkin ANi sẽ hướng dẫn bạn cách gửi đồ về Việt Nam bằng dịch vụ EMS của bưu điện Nhật.
1. Dịch vụ EMS là gì?
EMS (Express Mail Service) là dịch vụ giao nhận, vận chuyển thư từ, tài liệu, bưu phẩm bưu kiện theo thời gian được Tổng công ty Bưu chính Viễn thông công bố trước.
Phạm vi cung cấp dịch vụ của EMS có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới. Đây là một dịch vụ rất uy tín nên các bạn du học sinh, thực tập sinh có thể an tâm khi sử dụng.
2. Các bước để gửi EMS về Việt Nam
2.1. Chuẩn bị.
-Bạn sắp sẵn đồ chuyển về bỏ vào thùng rồi mang ra bưu điện đến quầy chuyển hàng và nói muốn chuyển hàng quốc tế EMS. Sau khi bạn điền toàn bộ giấy tờ liên qua đến thủ tục khai thuế và danh mục đồ chuyển về cùng địa chỉ, nhân viên bưu điện sẽ kiểm tra và cân để tính phí chuyển đồ.
-Sau khoảng 1 tuần, người ở Việt Nam sẽ được thông báo nhận đồ và hoá đơn thanh toán tiền thuế.
2.2. Giấy tờ cần điền.
Bạn phải điền hai loại giấy tờ bao gồm tờ giấy ghi địa chỉ và danh mục hàng cùng một tờ khai thuế.
Ở phần địa chỉ bạn ghi địa chỉ của mình ở phần From và thông tin người nhận ở phần To. (Nếu không có Fax và Postal Code thì không cần ghi)
Cột 1: Detailed description (mô tả chi tiết): Bạn ghi rõ tên loại hàng (có thể hỏi nhân viên bưu điện để viết cho chính xác)
Cột 2: Là mã HS dành cho hàng gửi với mục đích thương mại. (Nếu gửi dưới dạng quà cho người thân thì không cần điền)
Cột 3: Là thông tin chi tiết hơn bao gồm theo thứ tự: số lượng hàng, khối lượng và giá trị. (Bạn chi cần ghi khối lượng và giá trị)
- Mục 22, 23 bạn đánh dấu nếu món hàng của bạn chứa một số loại đồ trong các loại: quà tặng (gift), mẫu dùng thử (sample), đồ buôn bán (merchandise), đồ cá nhân (personal effects), tài liệu (document), các loại khác,…
- Ô 16 bạn ghi số loại danh mục và số lượng đồ gửi.
- Bạn ký tên ở ô 39.
- Tờ khai thuế bạn ghi giống hệt những gì đã ghi ở ô 21 và phần địa chỉ.
2.3. Về giá cước.
Phí gửi thường được tính theo số kg thùng hàng của bạn.
Bảng chi tiết cước phí của chuyển hàng quốc tế EMS.
Ví dụ: Thùng hàng của bạn nặng 1,2 kg, thì thùng hàng sẽ được vận chuyển qua đường hàng không với mức phí 2.400 Yên.
Bảng giá tính theo kg thùng hàng: http://www.post.japanpost.jp/int/charge/list/ems_all_en.html (hàng chuyển về Việt Nam ở cột thứ nhất).
Bên phía Việt Nam sẽ phải đóng thuế nhập khẩu (tuỳ theo loại hàng hoá, một số loại hàng không mất thuế, một số loại có thuế 10%~20% giá trị sản phẩm) và thuế VAT để lấy đồ. Tra cứu biểu thuế nhập khẩu tại: https://www.customs.gov.vn/default.aspx
2.4. Theo dõi hàng
- Khi nhận hoá đơn bạn sẽ có một mã tracking 13 chữ số ghi trên đó.
- Bạn có thể theo dõi tình hình chuyển đồ tại Nhật bằng cách nhập mã đó vào trang dưới đây rồi bấm “Tracking Start”
https://trackings.post.japanpost.jp/services/srv/search/input?locale=en
- Và nhập vào trang http://www.vnpost.vn/vi-vn/ để xem tình hình chuyển đồ ở Việt Nam
3. Lưu ý khi gửi đồ về Việt Nam bằng dịch vụ EMS.
Một số mặt hàng bị cấm gửi qua đường bưu điện như: dầu, chất cháy nổ, diêm, pin, nước hoa, đồ cồn,...
Ưu điểm khi gửi đồ qua dịch vụ EMS là: Thủ tục đơn giản, nhanh gọn, giao hàng tận nơi.
Nhưng kèm theo đó cũng có các nhược điểm như:
- Phí đắt.
- Giới hạn loại mặt hàng gửi.
- Hàng hóa có thể thất lạc. Thất lạc có thể xảy ra ở khâu hải quan và ngoài ra sau khi về đến Việt Nam, bưu phẩm của bạn sẽ do phía bưu điện Việt Nam phụ trách nên mọi chuyện sẽ rất khó biết được.
- Tự chịu trách nhiệm về thuế.
Lời khuyên: Bạn chỉ nên gửi tài liệu hoặc hàng hóa có giá trị thấp, số lượng ít. Nếu bạn gửi hàng hóa số lượng nhiều, đóng kiện to (kể cả khi đó là hàng bình thường, giá trị thấp) thì khả năng bị kẹt lại ở hải quan là cực kỳ cao.
Nenkin ANi hi vọng bài viết này có thể giúp ích cho bạn!