I.Tình hình hiện nay
Theo số liệu của Cục Xuất Nhập Cảnh Nhật Bản tháng 1/2019, những năm gần đây số lượng người nộp hồ sơ xin visa vĩnh trú tăng cao (hiện tại vẫn còn hơn 30,000 hồ sơ vẫn chưa được thụ lý).
Tiêu chuẩn xét duyệt khá nghiêm ngặt, tỉ lệ đỗ visa vĩnh trú đã giảm từ 70% năm 2016 xuống hơn 40% vào 2 tháng đầu năm 2018. Vì vậy khi trước khi nộp hồ sơ xin visa vĩnh trú, bạn cần phải tìm hiểu thật kĩ.
Mục tiêu trong bài viết này là các bạn đang có visa lao động (就労ビザ) và visa vợ/chồng người Nhật (日本人配偶) muốn chuyển sang visa vĩnh trú.
II.Khái quát về visa vĩnh trú
Visa vĩnh trú được cấp cho người nước ngoài sống tại Nhật theo 2 tiêu chí sau:
-
Cho người có đủ điều kiện và có dự định sẽ sống ở Nhật cả đời
-
Cho những lao động có trình độ, chất lượng cao như một hình thức khuyến khích họ tới sinh sống, làm việc tại Nhật
Điều kiện xét duyệt visa vĩnh trú rất khó khăn và nghiêm ngặt, vì vậy đây là loại visa khó xin nhất. Khi một người có visa vĩnh trú, họ có thể sống ở Nhật không thời hạn, cũng như các hoạt động được phép làm tại Nhật.
Vì vậy, đối với Cục Xuất Nhập Cảnh, lần xét duyệt visa vĩnh trú là lần cuối cùng họ có thể kiểm tra người đó. Và họ phải làm thật chặt để tránh ảnh hưởng về sau.
III.Điều kiện chung để xin visa vĩnh trú
Theo khoản 2, điều 22 của luật nhập cư Nhật Bản, người xin visa vĩnh trú phải thỏa mãn đủ 3 điều kiện sau:
-
Điều kiện về "Hành vi lương thiện" (素行善良要件)
-
Điều kiện về "Độc lập kinh tế" (独立生計要件)
-
Điều kiện về "Lợi ích quốc gia" (国益要件)
Tuy nhiên, nếu nằm trong các trường hợp sau thì người xin visa chỉ cần đạt điều kiện thứ 3 – tức Điều kiện về “Lợi ích quốc gia” cũng có thể được cấp visa vĩnh trú:
-
Vợ hoặc Chồng là người Nhật (日本人の配偶者)
-
Con của người Nhật (日本人の子)
-
Vợ hoặc chồng của người có visa vĩnh trú (永住者の配偶者)
-
Con của người có visa vĩnh trú (永住者の子)
Chi tiết về 3 điều kiện cơ bản để có thể xin visa vĩnh trú sẽ được mình giải thích bên dưới.
1.Điều kiện về “Hành vi lương thiện”
“Các hành vi mà người đăng ký đã từng làm đều phải đảm bảo tính lương thiện”
Hiểu theo nghĩa đơn giản, người đăng ký phải không nằm trong các trường hợp sau:
-
Người vi phạm pháp luật Nhật Bản và bị phạt tiền, phạt tù (lưu ý 1)
-
Đối tượng đang bị giám sát bảo hộ theo pháp luật thanh thiếu niên
-
Thường xuyên lặp lại các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đạo đức (lưu ý 2)
Lưu ý 1:
Việc gây ra tai nạn giao thông khi lái xe cũng được coi là một hành vi phạm pháp ở Nhật Bản
Lưu ý 2:
Vi phạm luật giao thông dẫn đến bị phạt tiền. Ví dụ như : đỗ xe sai quy định và bị phạt tiền, lái xe khi say xỉn,…
Lỗi này nếu vi phạm lần 1 sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu vi phạm lặp lại nhiều lần thì sẽ bị quy vào đối tượng thứ 3. Hãy chú ý điểm này
2.Điều kiện về “Độc lập kinh tế”
“Phải có tài sản hoặc có năng lực đủ để đảm bảo sự độc lập về kinh tế”
Người đăng ký phải đạt đủ 2 điều kiện cơ bản sau:
-
Tự đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày và không trở thành gánh nặng cho công quỹ nhà nước (lưu ý 1)
-
Tài sản, thu nhập và công việc hiện tại có thể đảm bảo cho cuộc sống tương lai khi sống ở Nhật (lưu ý 2)
Lưu ý 1:
Cụm từ “không trở thành gánh nặng cho công quỹ nhà nước” nghĩa là : Đóng thuế thu nhập, đóng nenkin, đóng các loại bảo hiểm đầy đủ, không chậm trễ. Không phải đối tượng nhận trợ cấp xã hội của quận, thành phố,…
Lưu ý 2:
Khả năng độc lập kinh tế được xét theo thu nhập của hộ gia đình (世帯収入). Nghĩa là đù người đăng ký có thu nhập bằng 0, nhưng nếu vợ hoặc chồng có thu nhập cao đủ để đảm bảo kinh tế cho cả gia đình, thì vẫn có thể đạt yêu cầu.
Nếu số người phụ thuộc trong gia đình có thể nhiều, và người có thu nhập chính sẽ phải có thu nhập thật cao thì mới đạt yêu cầu.
Theo nguồn thông tin từ một số luật sư có kinh nghiệm làm hồ sơ xin visa vĩnh trú, thu nhập của bạn nằm trong mức sau đây là ổn:
-
Người đăng ký visa vĩnh trú hoặc người có thu nhập cao nhất trong gia đình phải đạt tối thiểu là 300 man/năm
-
Nếu gia đình có thêm người phụ thuộc, thì tính thêm tối thiểu 50man /người /năm
Vậy một người muốn đăng ký visa vĩnh trú thì bản thân người đó hoặc người có thu nhập cao nhất trong gia đình phải đảm bảo theo cách tính sau :
Thu nhập cá nhân + ( số người phụ thuộc * 50 man ) = tổng thu nhập đạt yêu cầu. Nếu có trên 4 người phụ thuộc thì tăng lên 70 man/ người
Người đăng ký visa vĩnh trú có thu nhập là 25 man/ tháng > tức 300man / năm.
Gia đình có 4 người phụ thuộc. Vậy phép tính như sau:
300 man + ( 4 * 50 man ) = 500 man
Đây là số tiền thiểu trên một năm phải đảm bảo được mới có thể xin visa vĩnh trú.
Tuy không phải là mốc cố định, nhưng đạt được như trong ví dụ thì khả năng xin được visa vĩnh trú là rất cao. Ngoài ra có thể cách sau:
-
Chứng minh thêm bằng các tài sản khác hiện có ở Nhật và Việt Nam như tiền tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán,…
-
Gỡ bớt người phụ thuộc để giảm gánh nặng kinh tế
Mức thu nhập cũng như đóng thuế của người đăng ký sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả xét duyệt.
3.Điều kiện về “Lợi ích quốc gia”
Người lưu trú tại Nhật phù hợp với các lợi ích của nước Nhật. Kèm theo số năm lưu trú đạt yêu cầu.
Người đăng kí visa vĩnh trú phải thỏa mãn tất cả những điều kiện sau:
-
Đạt đủ điều kiện về thời gian lưu trú tại Nhật (lưu ý 1)
-
Tôn trọng pháp luật Nhật Bản (lưu ý 2)
-
Không có các dấu hiệu sẽ gây hại cho cộng đồng (lưu ý 3)
-
Không có nguy cơ gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia
-
Không trở thành gánh nặng quốc gia
Lưu ý 1:
Đạt đủ điều kiện về thời gian lưu trú tại Nhật nghĩa là:
-
Thời hạn lưu trú hiện tại đang nhận được phải đạt từ 3 năm trở lên
-
Lưu trú liên tục tại Nhật tối thiểu là 10 năm, trong đó có 5 năm lưu trú dưới dạng visa lao động
Trong trường hợp đặc biệt, thì thời gian lưu trú có thể rút ngắn lại như sau:
-
Vợ/Chồng là người Nhật hoặc người có visa vĩnh trú: Kết hôn trên 3 năm và lưu trú liên tục tại Nhật trên 1 năm
-
Con của người Nhật hoặc người có visa vĩnh trú: Lưu trú liên tục tại Nhật trên 1 năm
-
Có visa định trú (定住者): Đã lấy được visa định trú và lưu trú liên tục tại Nhật trên 5 năm
-
Nhân lực chất lượng cao xét theo bảng điểm 高度専門職ポイント:
Kể từ khi nhận được điểm. Lưu trú liên tục tại Nhật trên 3 năm
Lưu ý 2:
Người đăng ký phải không nợ / chậm trễ khi đóng thuế, bảo hiểm. Cho dù bạn đang là người phụ thuộc kinh tế, trách nhiệm của bạn vẫn phải đóng đủ và không được chậm trễ các loại bảo hiểm, thuế của bản thân.
Lưu ý 3:
Ở đây nói đến vấn đề bệnh tật, nếu bạn không bị các bệnh truyền nhiễm dẫn đến cách ly thì không sao.
IV. Lưu ý chung
1.Thời gian lưu trú liên tục
Khoảng thời gian lưu trú liên tục 10 năm của bạn sẽ không bị tính lại từ đầu nếu:
-
Về nước chơi 1 đến 3 tuần
-
Trường hợp công ty tại Nhật cử bạn đi công tác ở nước ngoài thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm, nếu bạn chứng minh được rõ việc này thì sẽ không ảnh hưởng
Cách trường hợp như sau sẽ bị tính lại từ đầu:
-
Bạn đi du học vài năm rồi về nước, sau đó vài năm bạn vào công ty Nhật và nhận được visa lao động để quay lại Nhật > thời gian lưu trú liên tục sẽ tính từ lúc nhận visa lao động
-
Bạn đang làm việc tại công ty A, sau 3 năm bạn xin nghỉ việc về nước hẳn, một thời gian sau bạn quay lại Nhật với visa lao động mới > thời gian lưu trú liên tục sẽ tính từ lúc nhận visa mới
Lúc làm hồ sơ, hãy giải trình lại chi tiết từng lần bạn về nước, về làm gì?, có quan trọng hay không?,… Đừng để hở một vài lần ra khỏi nước Nhật mà không có lý do.
2.Thời hạn của visa hiện tại khi đăng ký visa vĩnh trú
Theo Luật pháp Nhật các loại visa thông thường như: visa du học, lao động, gia đình,.. từ khi hết hạn visa đến khi đăng ký visa mới, bạn có thể lưu trú thêm 2 tháng.
Nhưng khi đăng ký visa vĩnh trú, bạn sẽ không được lưu trú thêm 2 tháng nếu như visa bị hết mà không gia hạn kịp.
Như mình đã nói từ ban đầu, hiện tại vẫn còn rất nhiều hồ sơ xin visa vĩnh trú chưa có kết quả, vì vậy thời gian chờ sẽ rất lâu, có thể lên tới 1 năm lận.
Trong thời gian chờ xin visa vĩnh trú, hãy nhớ gia hạn visa trước khi hết hạn.
3.Người phụ thuộc
Hiện tại, có rất nhiều người đang đăng ký người phụ thuộc (cho anh em hoặc cha, mẹ đang sống ở ngoài nước Nhật) để được giảm thuế.
Nếu bạn không thể chứng minh được mức thu nhập hiện tại đủ để chi trả cho tất cả những người đang phụ thuộc hoặc không chứng minh được việc gửi trợ cấp cho người phụ thuộc ở ngoài nước Nhật thì bạn có thể bị đánh giá là trốn thuế
Hãy thử dùng phép tính kinh tế ở mục 2 lớn, nếu thấy vượt quá khả năng thì hãy gỡ bớt người phụ thuộc trước khi đăng ký visa vĩnh trú.
4.Thời điểm nộp hồ sơ xin vĩnh trú
Không nên nộp hồ sơ xin vĩnh trú quá sớm khi bạn chưa đủ thời gian lưu trú liên tục. Thời điểm tốt nhất là trước khi đủ thời gian lưu trú liên tục khoảng 2 đến 3 tháng.
Nếu thuận lợi thì khi đủ thời gian lưu trú bạn sẽ được nhận vĩnh trú. Với trường hợp nộp quá sớm, có thể bị xếp vào danh sách chưa đủ điều kiện và bị đánh trượt.
5.Đăng ký xin vĩnh trú cho cả gia đình
Nếu bạn không vội, hãy đợi tất cả thành viên trong gia đình đạt đủ thời gian lưu trú liên tục và làm hồ sơ. Như vậy sẽ tránh được việc lằng nhằng thủ tục.
Hãy tưởng tượng sự phức tạp khi từng người làm hồ sơ riêng bằng ví dụ như sau:
Bạn làm hồ sơ xin vĩnh trú trước và được duyệt, lúc này đến lượt các thành viên trong gia đình bạn sẽ phải:
-
Vợ bạn sẽ phải làm thủ tục chuyển từ visa gia đình sang visa vợ/chồng của người có vĩnh trú
-
Con bạn sẽ phải chuyển từ visa gia đình sang visa định trú
Khi chuẩn bị hồ sơ cho cả gia đình, giấy tờ chứng minh tài chính có thể dùng chung.
Riêng các giấy tờ cá nhân như: mẫu đăng ký xin vĩnh trú, chứng nhận làm việc (nếu có), chứng nhận nộp thuế, giấy tờ bảo lãnh,… hãy chuẩn bị đủ cho từng thành viên.
IV.Các giấy tờ cần thiết xin vĩnh trú
Vì bài biết đã quá dài, mình sẽ chuẩn bị riêng phần này sang một bài mới. Chi tiết mình sẽ cập nhập trong khoảng vài ngày tới.
Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẽ lại với mọi người. Để lại comment nếu bạn có thắc mắc.